Khi cánh cửa nhà sập lại với một lực lớn và cắt đứt phần đầu ngón tay út, các bác sĩ nói với Deepa Kulkarni rằng không có cách gì để tay chị liền trở lại. Kulkarni đã chứng minh rằng các bác sĩ hoàn toàn sai lầm khi tự mọc trở lại ngón tay bị đứt. Và chị không phải là người duy nhất.
Sau khi vất vả chạy trốn cơn mưa rào vào một buổi tối hồi tháng 1 năm nay, Deepa Kulkarni đứng dựa tay phải vào cửa nhà để cởi giày. Do sợ con chó trong nhà chạy ra ngoài, ai đó vô tình đẩy mạnh cánh cửa để nó đóng lại. Kết quả là cánh cửa chặt cụt ngón tay út của Kulkarni.
Mọc lại ngón tay đứt lìa sau 7 tuần
Kulkarni nghĩ rằng cánh cửa chỉ làm xước ngón tay. Nhưng khi nhìn xuống, chị thấy phần đầu ngón tay nằm ngay dưới chân. “Tôi vội cúi xuống nhặt đầu ngón tay trước khi con chó ngoạm lấy nó. Đầu tiên tôi vẫn ổn. Nhưng rồi tôi thấy máu, rất nhiều máu. Và rồi tôi thấy chóng mặt” - Kulkarni kể.
Chồng chị, anh Ajit, đã gọi xe cứu thương và đưa chị tới bệnh viện. Các bác sĩ sau khi xem xét trường hợp của Kulkarni nói rằng ngón tay chị bị rách nát nên không có cách nào họ có thể nối nó lại được. Một bác sĩ thậm chí còn đề nghị chị cắt cụt thêm ngón tay để nó có thể lành bình thường.
Nhận xét của các bác sĩ làm Kulkarni rất thất vọng. Chị từ chối việc cắt ngón tay và các bác sĩ đã cho chị về sau khi băng bó ngón tay bị thương, đồng thời kê cho chị một số loại thuốc giảm đau. Ngay ngày hôm sau kể từ khi ra viện, Kulkarni bắt đầu lần tìm thông tin về việc chữa trị ngón tay trên máy tính.
Chị tìm thấy một câu chuyện được phát trên chương trình 60 Minutes, trong đó người ta có nói tới thuật ngữ “tái tạo mô” và một liệu pháp do bác sĩ Stephen Badylak ở Đại học Pittsburgh tạo ra có thể giúp ngón tay cụt mọc trở lại.
Kulkarni nhanh chóng tìm được địa chỉ thư điện tử của bác sĩ Badylak và nhờ ông giúp đỡ. Một cộng sự của Badylak đã trả lời lá thư và tiếp đó họ nghiên cứu ngón tay bị đứt của chị để xem xét việc chữa trị. Dưới sự giúp đỡ của một bác sĩ phẫu thuật có tên Michael Peterson, ngón tay của Kulkarni đã được làm sạch và gỡ bỏ toàn bộ những phần đã lên sẹo. Tiếp đó tay chị được nhúng vào bột chữa thương MatriStem, một sản phẩm của bác sĩ Badylak và công ty Acell tạo ra. Sau 7 tuần chữa trị, ngón tay út của chị đã mọc trở lại. “Hiện ngón tay này vẫn chưa hoàn hảo. Nó ngắn hơn trước đây. Nhưng nếu chỉ nhìn qua, bạn không thể biết nó đã từng bị cụt” - chị Kulkarni sung sướng thổ lộ với hãng tin AFP.
Thứ bột thần kỳ
Kulkarni không phải là người duy nhất có thể mọc lại tay. Hồi năm 2008, ông Lee Spievak, người Mỹ, cũng bị đứt ngón tay do vô tình đưa nó vào cánh quạt của một chiếc máy bay mô hình. Do đoạn ngón tay bị văng đi mất, các bác sĩ đã khuyên Spievak ghép da để vết thương mau lành.
Tuy nhiên số phận đã mỉm cười với Lee. Anh của ông, Alan Spievack, là sáng lập viên Acell. Alan đã khuyên Lee không vội nghĩ tới việc ghép da mà thử sử dụng một ít “bột tiên” do công ty ông chế tạo. Lee nghe theo và trong vòng 10 ngày, ông đã rắc thử thứ bột nói trên. Khi Lee rắc “bột tiên” lần thứ hai, ngón tay của ông đã có xuất hiện những dấu hiệu “mọc” trở lại. “Mỗi ngày ngón tay lại dài hơn và cuối cùng trở lại lành lặn như trước” - ông Lee kể - “Toàn bộ quá trình này kéo dài khoảng 4 tuần”. Giờ ngón tay Lee đã có đủ da, xương, móng và thậm chí cả một phần dấu vân tay. Ông cho biết hoàn toàn có khả năng điều khiển và cảm nhận bằng ngón tay này.
Thứ bột mà Lee sử dụng thực chất là loại thuốc tái tạo cơ thể do Badylak tạo ra. Trong suốt 20 năm qua, Badylak đã nghiên cứu mong tìm ra loại thuốc có thể khiến cơ thể người “mọc trở lại” một khả năng vốn chỉ có được ở các thai nhi trong bụng mẹ.
Một lần làm thí nghiệm, Badylak vô tình phát hiện vùng ruột của loài lợn có chứa nhiều một loại hợp chất cao phân tử phức tạp. Hợp chất này có khả năng kích hoạt các tiến trình sinh học tiềm tàng để làm lành vết thương, thúc đẩy sự phân chia tế bào, tái tạo mô và xương.
Giấc mơ tạo cách mạng trong y học
“Cơ thể có rất nhiều dạng tín hiệu” - Badylak giải thích về phương thức hoạt động của thuốc -“chúng ta có những tín hiệu để giúp cơ thể tạo sẹo và những tín hiệu khác để tái tạo những phần đã mất. Loại thuốc này sẽ loại bỏ các tín hiệu tạo sẹo và để lại những tín hiệu giúp tái tạo cơ thể”.
Ông cũng tin rằng trong vòng 10 năm tới, loại “thuốc tiên”, giờ được gọi là MatriStem có thể khiến xương mọc trở lại, đồng thời dây chằng cũng sẽ bám quanh xương. “Đó sẽ là bước tiến quan trọng trong việc tái tạo hoàn toàn các bộ phận cơ thể” - Badylack hào hứng tuyên bố.